Câu hỏi của bạn đọc CafeLand có nội dung:
Ông bà tôi mất cách đây 15 năm và có để lại một mảnh đất nhưng không viết di chúc. Ông bà có 6 người con, một người mất trước ông bà. Vậy khi chia đất thì con của người đó có được hưởng phần đất mà khi sống bố họ được hưởng không?
Năm người còn lại có viết thỏa thuận để lại một phần đất cho người cháu kia. Nhưng sau đó có tranh chấp, một người không đồng ý và không đưa sổ đỏ gốc ra. Chỉ có giấy thỏa thuận thì người cháu có được cấp sổ đỏ không? Mong luật sư giải đáp giúp. Xin cảm ơn.
xuanthuy@...
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN
Do ông bà bạn mất mà không để lại di chúc nên mảnh đất nói trên sẽ được chia theo pháp luật về thừa kế.
Điều 676 Bộ luật Dân sự quy định cụ thể các hàng thừa kế bao gồm:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Căn cứ quy định trên, các con không phân biệt trai gái, đã lập gia đình hay chưa đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Như vậy, tất cả 6 người con của ông bà bạn đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng một phần trong khối di sản này.
Theo quy định tại Điều 635 Bộ luật Dân sự 2005, người thừa kế phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Có một người con của ông bà bạn đã mất trước khi ông bà bạn mất nên căn cứ theo quy định tại Điều 677 Bộ luật Dân sự 2005 thì:
Phần di sản mà người con đã mất của ông bà bạn được hưởng nếu còn sống sẽ được chia lại cho các con của người đó.
Điều 57 Luật Công chứng 2014 quy định về công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản như sau: “1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.”
Trước tiên, thì những người được thừa kế theo pháp luật phải tiến hành làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc chứng nhận phân chia di sản thừa kế tại Văn phòng công chứng nơi có bất động sản. Nếu 5 người con đồng ý tặng cho 1 phần di sản cho cháu thì cần có biên bản thỏa thuận phân chia di sản có công chứng. Sau đó mới làm được thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điểm c khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013: “c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;”
Nếu xảy ra tranh chấp thì các đồng thừa kế khởi kiện tại Tòa án về chia tài sản chung.
Ðiều 645 Bộ luật Dân sự quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế như sau: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.
Như vậy, ông bà bạn đã mất 15 năm đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Để có thể giải quyết tranh chấp Tuy nhiên, để giải quyết những vướng mắc về thời hiệu khởi kiện về thừa kế, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 và hướng dẫn như sau:
- Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.