Chuyển nhượng dự án bất động sản bị đình trệ

TP HCM3 năm nay, thành phố có một vài dự án bất động sản được phép chuyển nhượng hàng năm do vướng quy định phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Báo cáo 9 tháng đầu năm của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, hoạt động chuyển nhượng dự án trên địa bàn bị ách tắc trầm trọng từ năm 2019 đến tháng 9/2022. Trong 3 năm qua, có rất ít dự án được chuyển nhượng trên thị trường tự do. Năm 2019 có 5 dự án được chuyển nhượng, nhưng sang năm 2020 không có dự án nào được giao dịch, sau đó tình trạng đình trệ này tiếp tục kéo dài. Từ năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, mỗi năm chỉ có một dự án được cho phép chuyển nhượng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết nguyên nhân hoạt động chuyển nhượng dự án bị ách tắc là do vướng quy định phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này khiến doanh nghiệp, tức các chủ đầu tư, vẫn chưa được bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự do chuyển nhượng dự án bất động sản theo nhu cầu sản xuất.

Trong 9 tháng đầu năm, thành phố có 21 dự án đủ điều kiện huy động vốn với tổng 11.600 căn nhà, trong đó có 10.166 căn chung cư chiếm 87,6% và 1.434 căn nhà thấp tầng chiếm 12,4% tổng số nhà ở đưa ra thị trường. Có hơn 80% nhà cao cấp phủ sóng nguồn cung, tương đương 9.305 căn, ngược lại nhà bình dân và giá rẻ đã biến mất khỏi thị trường. Nguồn cung nhà ở trong 3 quý đầu năm cũng xuống thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.

Bất động sản khu đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Bất động sản khu đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo ông Châu, nhìn tổng thể thì thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ một số vướng mắc về thể chế pháp luật và khâu thực thi pháp luật. Thực tế, TP HCM ghi nhận hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại của hơn 80 doanh nghiệp dừng triển khai thực hiện, trong đó có 64 dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công hoặc do cổ phần hóa trước đây.

Chủ tịch HoREA kiến nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho phép thí điểm áp dụng tương tự Nghị quyết số 42, cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất với Nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng thì chủ đầu tư nhận chuyển nhượng chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ này.

Song song đó, cơ quan quản lý cần "có kết luận dứt điểm" các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay do phải thực hiện công tác rà soát pháp lý, trong đó TP HCM có 64 dự án thuộc diện này.

Trong quá trình xử lý các dự án thuộc diện rà soát pháp lý, Hiệp hội đề nghị thực hiện chủ trương "thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực" và các doanh nghiệp có liên quan phải nộp nghĩa vụ tài chính, bao gồm cả nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện cho dự án được tiếp tục triển khai thực hiện góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.

Vũ Lê

Post a Comment

Previous Post Next Post