Choáng ngợp với hai sân vận động mới xây dựng để đón World Cup 2022, kết cấu thép Việt Nam đã góp phần mang đến những công trình đẳng cấp thế giới. Với sự kết hợp giữa kiến trúc độc đáo và công nghệ hiện đại, các sân vận động này không chỉ gây ấn tượng mạnh với khán giả mà còn thể hiện sự tiến xa của ngành công nghiệp thép Việt.
Lusail và Ras Abu là hai sân vận động (SVĐ) có sự tham gia thi công, lắp dựng kết cấu thép của một doanh nghiệp Việt Nam phục vụ cho World Cup 2022 ở Qatar.
Theo đó, Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng đã trúng gói thầu thiết bị kết cấu thép trị giá 80 triệu USD cho hai SVĐ Lusail và Ras Abu. Doanh nghiệp đến từ Việt Nam sẽ gia công sản xuất các thiết bị, cấu kiện thép cho 2 công trình; trong đó, cung ứng một phần công trình SVĐ Lusail ước tính khối lượng lên đến 6.000 tấn và toàn bộ công trình SVĐ Ras Abu với khối lượng 30.0000 tấn.
Sân vận động Lusail Iconic có sức chứa 80.000 người phục vụ cho World Cup 2022 tại Qatar được khởi công vào tháng 11/2019. (Ảnh: ĐD)
Sân vận động Lusail Iconic
Sân vận động Lusail Iconic (hay SVĐ Quốc gia Lusail) tọa lạc tại thành phố Lusail, cách 15km về phía bắc Doha, với sức chứa hơn 80.000 khán giả sẽ là nơi diễn ra trận khai mạc và trận chung kết World Cup 2022.
Sân vận động được thiết kế kết hợp giữa những hình ảnh đương đại và lịch sử, lấy cảm hứng từ chiếc bát và con tàu được sử dụng ở thời Trung Đông. Sân Lusail được phủ bên ngoài bằng một lớp vàng lấp lánh, mái nhà được chế tạo để cung cấp sự cân bằng giữa bóng râm cho khán giả và ánh sáng mặt trời cho bề mặt sân.
Được biết, thiết kế này nhằm khắc họa những họa tiết trang trí đặc trưng trên tô, chén của thế giới Ả Rập và Hồi giáo, nhằm đề cao mỹ thuật và nghề thủ công của khu vực này.
Tổng kinh phí xây dựng sân vận động Lusail lên đến 767 triệu USD. Sân trải qua 10 năm tính từ lúc lên ý tưởng cho đến khi hoàn thành.
Công trình chỉ mới được hoàn thiện vào tháng 9 vừa qua và sẽ được dùng để tổ chức 10 trận tại World Cup 2022, trong đó đặc biệt là trận chung kết.
Sau World Cup, sân Lusail sẽ được giữ lại và trở thành khu phức hợp trường học, bệnh viện, khu thể thao, thương mại, sẵn sàng cho những sự kiện lớn, tích hợp với quy hoạch tổng thể của thành phố Lusail, trở thành biểu tượng của nơi này.
Sân vận động Ras Abu Aboud
SVĐ Ras Abu Aboud hay được gọi hiện nay là SVĐ 974 tọa lạc tại ven cảng biển thủ đô Doha. Công trình khởi công vào tháng 11/2019 và hoàn thành 2 năm sau đó.
Lấy ý tưởng tôn vinh truyền thống thương mại quốc tế và hàng hải Qatar, công trình được xây dựng từ các thùng container vận chuyển đã qua xử lý, được gia công cho phù hợp với từng chức năng khác nhau, nằm trên những khung thép, cho phép nhanh chóng lắp ráp, tháo rời.
Nằm trên khu vực bờ sông có diện tích 450.000m2 ở phía Đông Nam của Doha, có sức chứa lên đến 40.000 chỗ, là nơi tổ chức 7 trận đấu của vòng chung kết World Cup 2022.
Thiết kế thông minh của sân 974 giúp tiết kiệm vật liệu xây dựng và giảm lượng nước sử dụng đến 40% so với việc phát triển sân truyền thống. Thiết kế mô đun đòi hỏi ít vật liệu hơn, tạo ra ít chất thải và giảm lượng khí carbon so với quy trình xây dựng truyền thống, đồng thời rút ngắn thời gian xây dựng.
Sau World Cup, sân Ras Abu Aboud vốn có kết cấu tháo lắp sẽ được dỡ ra và lắp thành 2 sân vận động có sức chứa nhỏ hơn để mang tặng cho một nước châu Phi.
Ngoài 2 SVĐ trên, nước chủ nhà Qatar sẽ còn có các SVĐ phục vụ World Cup 2022 khác như Al Bayt, Ahmad Bin Ali, Al Janoub, Al Thumama, Education City, Khalifa.
Sân vận động Al Bayt nằm ở phía bắc thành phố Al Khor, có thiết kế đặc biệt giống với hình của một chiếc lều du mục truyền thống, có sức chứa 60.000 chỗ. Được biết, ý tưởng này được lấy từ "bayt al sha’ar", một loại lều được dân du mục sử dụng tại Qatar và khu vực vùng Vịnh.
Sân vận động Al Thumama nằm cách Doha 12km về phía Nam với mặt ngoài của mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Ả Rập, lấy ý tưởng từ chiếc nón Gahfiya truyền thống của người đàn ông Hồi giáo ở vùng Ả Rập. Khu vực xung quanh SVĐ là quần thể kiến trúc sinh thái, đạt chuẩn 4 sao theo Hệ thống đánh giá bền vững toàn cầu (GSAS) về cả thiết kế và xây dựng.
Sân vận động Al Janoub được xây dựng tại Al Wakrah, một trong những nơi có nền văn hoá lâu đời ở phía nam Doha, thiết kế của Sân vận động Al Janoub được lấy ý tưởng từ hình tượng ngọc trai và nghề đánh bắt cá truyền thống của người dân địa phương.
Sân vận động Ahmad bin Ali với mặt tiền nhấp nhô, được làm bằng các hoa văn đặc trưng của từng vùng miền đất nước có mái che và hệ thống làm mát tiên tiến nhất để đảm bảo các cổ động viên thoải mái trong suốt thời gian diễn ra trận đấu.
Sân vận động Education City với mặt tiền sân vận động này có các hoa văn hình tam giác, một sự tái hiện của các hoa văn arabesque truyền thống, dường như thay đổi màu sắc theo chuyển động của mặt trời. Sân vận được đưa vào hoạt động năm 2020, sau khi các trận bóng kết thúc công trình được dùng để phục vụ cho mục đích giáo dục.
Sân vận động Khalifa ấn tượng với mái vòm kép, hoạt động từ năm 1976. Đây chính là sân vận động mang tính biểu tượng bậc nhất của đất nước này và đã được dùng để tổ chức nhiều sự kiện lớn như FIFA Club World Cup, Cúp Vùng Vịnh...