Câu hỏi từ bạn đọc CafeLand có nội dung:
Tôi cũng như nhiều hộ dân sống chung trong một căn hẻm tại quận Bình Thạnh đang búc xúc khi phần đất xây dựng mương thoát nước chung cho cả hẻm bỗng nhiên bị ông H. đào xới xây nhà.
Từ lâu khoảng đất chừng 2m chúng tôi vẫn giữ nguyên để có đường thoát nước sinh hoạt. Nay bên nhà ông H. có tranh chấp đất đai với các thành viên trong gia đình nên họ chia lại đất xây nhà, cơ quan địa chính cũng đến đo đạc. Không hiểu vì lí do gì mà trong bản vẽ đó phần đất được xây nhà mới của hộ ông H. lại chồng lên đất thoát nước.
Do mất đường thoát nước nên chúng tôi phải chịu cảnh ngập và ô nhiễm môi trường. Vậy, chúng tôi nên làm gì, có thể kiện ông H.để họ đo đạc lại và trả lại phần đất trước kia không?
letamtu20_18@...
Luật sư Nguyễn Thanh Hiền, Công Ty Luật TNHH ATIM trả lời:
Theo nội dung câu hỏi của bạn, chúng tôi không có căn cứ để xác định rằng phần đất trước đây được sử dụng làm cống thoát nước thực tế thuộc quyền sử dụng của ai. Vì vậy cần xác định cụ thể hai trường hợp như sau để có phương án xử lý:
Trường hợp 1
Phần diện tích được sử dụng làm đường thoát nước không thuộc quyền sử dụng của ông H. (không thể hiện trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất Nhà nước cấp cho ông H). Trong trường hợp này, hành vi của ông H. được coi là đã lấn chiếm, sử dụng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác một cách bất hợp pháp. Vì vậy, bạn có thể kiến nghị chủ sử dụng thực tế của phần diện tích này yêu cầu ông H. phải hoàn trả nguyên trạng phần diện tích đã lấn chiếm hoặc khởi kiện ông H. ra tòa án có thẩm quyền sau khi hòa giải cơ sở không thành.
Trường hợp 2
Phần diện tích đất được sử dụng làm đường thoát nước trước đây thực tế thuộc quyền sử dụng cả ông H. và đã được nhà nước công nhận. Trong trường hợp này, các hộ dân trong căn hẻm có thể căn cứ các quy định sau đây để thương lượng với ông H.
Căn cứ Điều 277 BLDS 2005:
“Trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy. Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại”
Căn cứ Điều 273 BLDS. Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề
“Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý, nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác”.
Trong trường hợp này, các hộ dân trong hẻm có thể căn cứ hai quy định nêu trên để thương lượng yêu cầu ông H. dành một phần diện tích để làm đường thoát nước chung cho cả con hẻm.
Trong trường hợp ông H. từ chối việc thỏa thuận nêu trên, các hộ dân có thể yêu cầu UBND cấp xã nơi có đất tiến hành hòa giải. Nếu vẫn hòa giải không thành, các hộ dân có quyền khởi kiện ông H. ra tòa để buộc ông H. phải dành một diện tích đất để làm đường thoát nước.