Ở nước ngoài, có thể ủy quyền cho người thân quản lý tài sản bất động sản tại Việt Nam. Việc này cho phép người ủy quyền giao dịch, bảo trì và quản lý căn nhà cho bạn trong thời gian bạn xa nhà. Điều này giúp đảm bảo rằng tài sản của bạn được theo dõi và quản lý một cách hiệu quả trong khi bạn không có mặt tại quốc gia.
Câu hỏi của bạn đọc CafeLand có nội dung:
Vợ chồng tôi có một căn nhà ở Việt Nam và hiện tại chúng tôi đang định cư ở Mỹ. Xin hỏi, chúng tôi có cần phải ủy quyền cho người thân về căn nhà trên hay không? Xin luật sư tư vấn giúp. Cảm ơn.
txthach@...
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An trả lời bạn:
Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định tại Điều 7 Luật Nhà ở năm 2014 như sau:
Điều 7. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này.
Theo quy định trên, khi vợ chồng bạn định cư ở nước ngoài thì vợ chồng bạn vẫn được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về quyền của chủ sở hữu nhà ở như sau:
Điều 10. Quyền của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở
1. Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền sau đây:
d) Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.
Căn cứ quy định trên, nếu muốn quản lý nhà ở khi vợ chồng bạn định cư ở nước ngoài thì có thể ủy quyền cho người thân để quản lý.