Tôi đã nhờ một người anh đứng tên mua một miếng đất thổ cư và được phép của UBND huyện cấp giấy phép xây cất nhà ở. Tôi đã về hưu và đã được chính phủ VN cấp VISA dài hạn có giá trị xử dụng 5 năm nhưng phải đăng ký lưu trú mỗi lần không quá 3 tháng. Nay tôi muốn xin phép được đứng tên chủ quyền cho bất động sản này ( Sổ đỏ hoặc sổ hồng ).
Vậy nếu được cho phép thì tôi phải làm những thủ tục gì? Nếu không được phép thì tôi phải có những giấy tờ cần thiết gì trong khi chờ đợi Chính phủ cho phép xin cấp giấy phép xử dụng đất và nhà ?
Thành thật cám ơn quý vị.
kng80@...
Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh trả lời:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 03 tháng 06 năm 2008 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam quy định các trường hợp người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam gồm có:
1. Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó;
2. Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng quyết định;
3. Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu;
4. Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam;
Điều kiện để cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà: Phải là người đang sinh sống tại Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối chiếu với quy định trên thì trường hợp của bạn không nằm trong đối tượng được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam nên bạn không được phép đứng tên chủ quyền cho bất động sản này.
Trường hợp của bạn là hoàn toàn bất lợi trong mặt pháp lý nếu xảy ra tranh chấp nên theo mình bạn nên xác minh chứng thực là bạn đã đưa tiền cho ngời thân của bạn đi mua nhà,và bạn nên cầm giữ giấy tờ nhà. Và để được sở hữu hợp pháp ngôi nhà trên bạn nên làm thủ tục nhập lại quốc tịch Việt Nam .
Về trình tự, thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam được quy định như sau:
Theo Điều 21 của Luật Quốc tịch Việt Nam, trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam được quy định cụ thể như sau:
1. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú. Trong trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này hoặc không hợp lệ thì Sở Tư pháp thông báo ngay để người xin nhập quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
(Theo quy định tại Điều 20 của Luật Quốc tịch Việt Nam, hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm có các giấy tờ sau đây:
a) Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;
b) Bản sao Giấykhai sinh, Hộchiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
c) Bản khai lý lịch;
d) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
đ) Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt;
e) Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam;
g) Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam).
2. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh)xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
3. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người xin nhập quốc tịch Việt Nam để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là người không quốc tịch. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài của người xin nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, người xin nhập quốc tịch Việt Nam là người không quốc tịch thì trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin nhập quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.