Câu hỏi từ bạn đọc CafeLand có nội dung:
Tôi là con gái thứ chín trong gia đình, năm 2007 trước khi mất cha tôi có để lại di chúc chia đều mảnh đất nông nghiệp 3000m2 cho ba người con gái (cha tôi có 11 người con, tất cả đều có gia đình, và đã được cha tôi chia tài sản khi còn sống, riêng ba người con gái thì chưa được chia).
Nhưng di chúc chưa được chứng thực
thì cha tôi đã qua đời (trên di chúc có chữ ký của cha tôi và chính quyền đã
nhận được bản di chúc đó nhưng còn một số lí do nên chưa có con dấu chứng
thực). Sau khi cha tôi mất, thì người em út của tôi không chấp nhận chia mảnh
đất đó theo di chúc, do không có xác nhận của địa phương. Xin hỏi, di chúc mà
cha tôi để lại có hiệu lực hay không? Nếu có thì tôi phải làm những thủ tục gì
để được chia tài sản theo di chúc?
Xin chân thành cảm ơn!
minhnguyen0211@...
Luật sư Lê Văn Huyên, Công ty Luật TNHH Đất Luật trả lời:
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm
2005, pháp luật không bắt buộc di chúc phải được công
chứng, chứng thực mới có hiệu lực. Theo đó, di chúc lập bằng văn bản không có
công chứng, chứng thực sẽ có hiệu lực pháp luật nếu có đủ các điều kiện sau:
i. Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị
lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
ii. Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội ; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Nếu di chúc để lại đáp ứng được các điều kiện trên thì những người được chỉ
định thừa kế trong di chúc có quyền được hưởng di sản theo di chúc. Những người
thừa kế theo di chúc sẽ thống nhất việc phân chia di sản. Việc phân chia di sản
phải được lập thành văn bản và công chứng tại phòng công chứng/Văn phòng công
chứng. Trường hợp có sự tranh chấp thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm
quyền để yêu cầu phân chia di sản. Sau khi có văn bản phân chia di sản đã được
công chứng hoặc quyết định của Tòa án có thẩm quyền, những người thừa kế thực hiện thủ tục
đăng ký quyền sử dụng đất đối với thửa đất được phân chia.
CafeLand kết hợp Công ty Đất Luật