Câu hỏi từ bạn đọc CafeLand có nội dung:
Gia đình tôi và 359 hộ dân khác đã xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp cùng một xứ đồng, có cùng thời gian xây dựng từ năm 2000 đến năm 2004 đây là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích đã bị chính quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp phạt tiền sau đó cho được tồn tại (có biên lai thu tiền xử phạt).
Nhưng đến năm 2011 cấp Quận lại ra tiếp Quyết định xử phạt vi phạm hành chính áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm nhưng không phải là tất cả đối với 360 hộ mà chỉ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với 58 hộ sau đó ra Quyết định tổ chức cưỡng chế, phá dỡ nhà ở của 58 hộ, khi thi hành nhiệm vụ chính quyền lại chỉ tổ chức cưỡng chế, phá dỡ nhà ở có 54 hộ dân còn 04 hộ không bị cưỡng chế, phá dỡ vẫn được tồn tại đến nay là gần 02 năm.
Vậy CafeLand cho tôi được hỏi:
1. Việc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền và không cưỡng quyết xử lý công trình xây dựng mà cho được tồn tại (từ năm 2000 đến 2010), sau đó đến năm 2011 lại ra tiếp Quyết định xử phạt vi phạm hành chính áp dụng bịên pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm để tổ chức cưỡng chế, phá dỡ nhà ở của 58 hộ dân làm nhà trên đất nông nghiệp chứ không phải là ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính áp dụng bịên pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm đối với tất cả 360 hộ dân vi phạm làm nhà trên đất nông nghiệp.
2. Khi ra Quyết định áp dụng bịên pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất để tổ chức cưỡng chế, phá dỡ 58 hộ dân vi phạm làm nhà trên đất nông nghiệp nhưng đến khi thi hành Quyết định tổ chức cưỡng chế, phá dỡ lại thực hiện cưỡng chế, phá dỡ có 54 hộ dân còn 04 hộ đến nay vẫn chưa bị cưỡng chế, phá dỡ.
Vậy việc làm như đã nêu trên của cấp Quận có công bằng, triệt để, đúng quy định của pháp luật hay không?
thiemnx@...
Luật sư Nguyễn Văn Đàm – Công ty Luật TNHH Đất Luật trả lời:
Hành vi tự ý xây dựng nhà trên đất nông nghiệp được xem là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, và hành vi này sẽ bị phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm (Điều 8 Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009). Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng địa phương và vào từng thời điểm, nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp cũng có thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tồn tại nếu xét thấy nhà ở xây dựng trái phép phù hợp hợp với quy hoạch được phê duyệt, đã kê khai và xin phép tồn tại công trình theo quy định. Ngoài ra, bạn cần lưu ý, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xử phạt bẳng hình thức phạt tiền không có nghĩa là căn nhà xây dựng trái phép của bạn được phép tồn tại, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất nếu xét thấy nhà ở xây dựng trái phép không phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.
Về thắc mắc của bạn đối với 4 hộ dân trong số 58 hộ dân không bị cưỡng chế, vấn đề này bạn đưa ra là chưa có đầy đủ thông tin để có thể xác định việc làm nêu trên của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là đúng hay không đúng với quy định của pháp luật. Để làm rõ những thắc mắc nêu trên, đề nghị bạn nên liên hệ trực tiếp đến UBND quận/huyện nơi có nhà bị cưỡng chế để được giải đáp cụ thể.