Nhà máy, công trình dời đi thì chung cư, trung tâm thương mại mọc lên trên đất cũ

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là người đăng đàn đầu tiên vào chiều nay (3/11).

Theo chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị sẽ trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng. Trong đó có thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội.

Nhà máy, công trình dời đi thì chung cư, trung tâm thương mại mọc lên trên đất cũ - 1

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ trả lời chất vấn hàng loạt vấn đề nóng của ngành xây dựng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Vấn đề "nóng" về quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản cũng là nội dung được lựa chọn để chất vấn Bộ trưởng Xây dựng.

Nhóm vấn đề chất vấn Bộ Xây dựng lần này còn có nội dung xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, các thành phố lớn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản; việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về một số vấn đề chuẩn bị cho phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4.

Về thị trường bất động sản, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong năm 2021, thị trường bất động sản vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã từng bước khắc phục, thích ứng, chuyển trạng thái linh hoạt để duy trì tương đối ổn định, không rơi vào trạng thái đóng băng mà chỉ suy giảm ở một số chỉ số. 

Thị trường bất động sản trong 9 tháng tiếp tục gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn và khan hiếm về nguồn cung. Nguồn cung về nhà ở từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở mới trong 9 tháng chủ yếu vẫn đến từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp: Phổ biến là bất động sản ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa, nhiều phân khúc đã vượt dự báo đến năm 2025. Trong khi đó lại thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng chỉ ra, giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "2 giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến.

Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt.

Nhà máy, công trình dời đi thì chung cư, trung tâm thương mại mọc lên trên đất cũ - 2

Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vấn đề trong công tác điều chỉnh quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng cao ốc 2 bên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) (Ảnh: Trần Kháng).

Về chất lượng quy hoạch và quản lý đô thị, Bộ trưởng cho biết, đến hết tháng 9 năm nay, hệ thống đô thị nước ta có 883 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41%, tăng hơn 5,3% so với năm 2015.

Đến tháng 10, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt khoảng 60%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng chỉ ra việc quản lý quy hoạch đang tồn tại hàng loạt bất cập. Đơn cử như chất lượng đô thị hóa chưa cao. Nhiều nơi còn tình trạng phát triển đô thị theo chiều rộng, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn, còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt tại các thành phố lớn.

Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới. Đặc biệt, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị (bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ), nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại một số địa phương còn có biểu hiện tùy tiện, không tuân thủ quy định pháp luật và yêu cầu của quy chuẩn về quy hoạch xây dựng…

Về việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ đã thực hiện rà soát 36 cơ quan gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể trung ương để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế, trong đó công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn.

Nhà máy, công trình dời đi thì chung cư, trung tâm thương mại mọc lên trên đất cũ - 3

Nhiều Bộ ngành đã xây dựng trụ sở mới nhưng chưa bàn giao lại trụ sở cũ cho Hà Nội (Ảnh: Trần Kháng).

Nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan).

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, các bộ, ngành và Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời).

Về việc triển khai nhà ở xã hội, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, đến nay mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu, trong đó nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 với 62.700 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 với 93.090 căn hộ.

Nhà máy, công trình dời đi thì chung cư, trung tâm thương mại mọc lên trên đất cũ - 4

Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu (Ảnh: Trần Kháng).

Ông cũng chỉ ra nguyên nhân tồn tại bất cập là do nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội; việc dành quỹ đất 20% thuộc các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại chưa được thực hiện triệt để hoặc chưa được sử dụng đúng mục đích; thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi ở các đô thị lớn; nhiều khu công nghiệp được hình thành, nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân; chưa quan tâm đúng mức tới việc hỗ trợ chủ đầu tư trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội theo quy định.

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều ưu đãi cho nhà ở xã hội, các cơ chế chính sách ưu đãi hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê.

Nguồn: dantri.com.vn

Post a Comment

Previous Post Next Post